Người Việt hiện thấp hơn 13cm (ở nam giới) và 10,8cm (ở nữ giới) so với chuẩn chiều cao trung bình trên thế giới, thấp hơn các nước láng giềng như Lào, Campuchia….
Người Việt nằm trong top 5 các nước “lùn” nhất thế giới
Theo số liệu được công bố trên Telegraph vào tháng 8/2017, châu Âu là khu vực sở hữu chiều cao ấn tượng nhất, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á có chiều cao thấp nhất.
Các quốc gia cao nhất thế giới bao gồm Hà Lan (1,838m), Montenegro (1,832m), Đan Mạch (1,826m), Na Uy (1,824m), Serbia (1,820m). Trong khi đó, top 5 nước thấp nhất thế giới là: Indonesia (1,58m), Bôlivia (1,6m), Philippines (1,619m), Việt Nam (1.621m), Campuchia (1,625m).
Còn theo công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt vẫn nằm trong top thấp nhất khu vực châu Á dù chiều cao đã tăng lên so với thời gian trước. Hiện chiều cao của nam giới là 163,7cm, của nữ giới là 153cm.
So với chiều cao tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiều cao trung bình của nam giới Việt vẫn dưới chuẩn 13cm, nữ giới dưới chuẩn 10,7cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. So với các nước láng giềng, người Việt thấp hơn người Lào, Campuchia, Thái Lan.
Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hơn 30 năm qua, chiều cao của người Việt có tăng lên nhưng rất chậm, trung bình 10 năm chỉ tăng được hơn 1cm.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng chiều cao ấn tượng nhất dù trước đó, người Nhật còn thấp hơn cả Việt Nam. Theo New York Times, trước năm 1950, chiều cao của người Việt là 154cm (với nam) và 151cm (với nữ), chiều cao của người Nhật là 150cm (với nam) và 149cm (với nữ). Tuy nhiên hiện tại, người Nhật cao trung bình 172cm (với nam) và 158cm (với nữ). Trong khi đó, chiều cao trung bình của ở nước ta là gần 164cm (với nam) và 153cm (với nữ).
Chiều cao của người Nhật tăng trưởng ấn tượng theo thời gian trong khi chiều cao người Việt tăng rất chậm.
Làm thế nào để người Việt thoát lùn?
Gen ảnh hưởng khá lớn tới chiều cao của người châu Á với khoảng 60%, 40% còn lại là yếu tố dinh dưỡng, tập luyện, giấc ngủ, môi trường sống, bệnh tật… Tuy nhiên, để phát huy được các yếu tố của gen hoặc chiều cao vượt hơn mong đợi từ gen cần có sự tác động của các yếu tố 40% còn lại. Bằng chứng với người Nhật Bản là ví dụ rõ ràng nhất cho việc, chiều cao hoàn toàn có thể cải thiện được.
Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan – Nguyên trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng khẳng định, nếu bố mẹ thấp, con vẫn hoàn toàn có thể đạt chiều cao chuẩn nếu được chăm sóc một cách khoa học.
Dinh dưỡng là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới tầm vóc chỉ sau di truyền. Để tăng chiều cao, trẻ cần được đảm bảo chế độ ăn đa dạng các nhóm chất như tinh bột (từ gạo, ngô, khoai, bánh mì, bún…), chất đạm (từ thịt lợn, gà, bò, cá, trứng, đậu phụ…), chất béo (dầu mỡ), rau củ quả. Trong đó, bố mẹ nên lưu ý chế độ ăn giàu canxi từ tôm, cua đồng, cá, đậu phụ, các loại rau lá màu xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa…vì canxi có liên quan đến cấu trúc xương. Đặc biệt, cần bổ sung vitamin D dự phòng mỗi ngày để canxi này được hấp thụ vào máu, chuyển hóa vào xương, thúc đẩy hệ xương phát triển, tăng chiều cao.
Bên cạnh đó, thức ăn nhanh, bánh kẹo ngọt… cũng cần được hạn chế vì chúng làm tăng nguy cơ béo phì và thấp lùn ở trẻ. Các loại nước tăng lực, nước ngọt có gas gây tăng thải canxi qua nước tiểu cũng cản trở quá trình phát triển chiều cao.
Để tăng chiều cao, trẻ cần được quan tâm chăm sóc đúng cách ngay từ bé
Về vận động, ngay từ nhỏ, trẻ nên được rèn thói quen yêu thích vận động và tập luyện bằng các môn thể thao phù hợp với độ tuổi, tránh tối đa các thiết bị điện tử như tivi, ipad, smartphone… bởi các yếu tố này làm trẻ chỉ thích ngồi một chỗ.
Kết quả khảo sát do chuyên gia Đại học Stanford (Mỹ) thực hiện tại hơn 100 quốc gia cho thấy, Việt Nam nằm trong các nước lười vận động nhất thế giới với 13,5% người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút/ngày. Điều này khiến không chỉ chiều cao mà thể trạng (thể lực, sức bền) của người Việt cũng thấp kém hơn.
Thói quen thức khuya ngủ muộn, chưa coi trọng giấc ngủ, chưa ý thức lối sống lành mạnh để giảm thiểu tối đa bệnh tật… có thể tác động đến sức khỏe tổng thể và chiều cao.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi lên 1,67m (đối với nam) và 1,56m (đối với nữ). Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4cm. Để thực hiện được điều này, chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng thôi chưa đủ, mà cần sự nỗ lực của tất cả mỗi cá nhân vì một tương lai người Việt không còn lùn!
(Theo Eva.vn)