Giai đoạn sơ sinh là một trong những giai đoạn trẻ có thể tăng chiều cao một cách vượt bậc nếu bố mẹ biết cách chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, dưới 1 tuổi, trẻ đạt tốc độ phát triển nhanh nhất so với các giai đoạn khác. Cân nặng tăng gấp 3 còn chiều cao tăng gấp rưỡi so với lúc mới sinh.
Nếu được bổ sung đầy đủ, chỉ riêng năm đầu tiên, trẻ có thể tăng 25cm, trong 2 năm tiếp theo mỗi năm có thể tăng 10cm. Giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
Do vậy, giai đoạn đầu đời, trong đó có thời kỳ sơ sinh, nếu bố mẹ chú ý chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý, con sẽ có thể phát huy tối đa chiều cao trong giai đoạn này.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra, thời gian trẻ trong bào thai, nếu người mẹ ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, tăng từ 10 – 25kg thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50cm trở lên. Nếu mẹ ăn uống thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của thai nhi.
Vì thế, trong giai đoạn thai kỳ, mẹ cũng cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con. Còn đối với giai đoạn sơ sinh, các bậc phụ huynh cần lưu ý các yếu tố sau để con có những bước tiến về chiều cao. Khái niệm trẻ sơ sinh trong bài viết này xin được giới hạn từ lúc bé chào đời cho đến 6 tháng tuổi.
Dinh dưỡng
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa vẫn là nguồn thức ăn chính. Trong sữa mẹ chứa hàm lượng canxi và chất béo cao, giúp xương chắc khoẻ và bé tăng cân đều. Tốt nhất, mẹ hãy duy trì chế độ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, nếu trường hợp mẹ bị mất sữa hoặc sữa ít nên bổ sung thêm sữa công thức phù hợp với bé để con được nhận đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
Bổ sung vitamin D đúng cách
Vitamin D là vi chất cực kỳ quan trọng giúp chuyển hóa canxi vào xương, hỗ trợ xương chắc khỏe và thúc đẩy phát triển chiều cao. Thiếu vitamin D, trẻ sẽ bị còi xương, biến dạng xương, dễ bị gù vẹo cột sống, chân vòng kiềng, chữ bát…
Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời nên tắm nắng là phương pháp được khuyên nên thực hiện đều đặn nhất. Bố mẹ hoặc người thân nên cho trẻ tắm nắng vào thời điểm trước 10h sáng, mỗi lần từ 15 – 20 phút (thời gian tắm nắng lần đầu tiên có thể ít hơn, tăng dần lên theo các đợt sau). Khi cho trẻ tắm nắng nên lưu ý không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt trẻ, nên để hở phần lưng, bụng, hai tay, hai chân tiếp xúc với ánh nắng.
Tăng cường vận động cho trẻ
Dù con chưa biết lẫy, bố mẹ cũng đừng quên tập cho con vận động các cơ bằng các bài tập nhẹ nhàng như di chuyển cánh tay của bé lên xuống dọc cơ thể, nhằm kích thích sự dẻo dai của đôi vai, bắt chéo tay từ hai bên sang trước ngực, di chuyển tay lên xuống luân phiên, co duỗi chân từng bên…
Ngủ đủ và đúng
Ngủ là thời gian cơ thể nghỉ ngơi, hồi phục và sản sinh hoóc-môn tăng trưởng chiều cao. Giấc ngủ đêm có tác dụng cực kỳ quan trọng giúp hệ xương phát triển, cơ thể bé “dài” thêm trong giấc ngủ đêm này.
Trẻ mới sinh cho đến 2 tháng cần ngủ 16 – 18 tiếng mỗi ngày, giấc đêm cần ngủ 8 – 9 tiếng, trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi cần ngủ 14 – 16 tiếng, số giờ ngủ đêm là 9 – 10 tiếng, trẻ từ 4 – 6 tháng cần ngủ 14 – 15 tiếng và giấc ngủ đêm nên kéo dài 10 tiếng.
Tuy nhiên, một số thói quen khi ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và chiều cao mà bố mẹ có thể tránh cho con như:
– Ngậm vú mẹ khi ngủ:
Nhiều mẹ Việt có thói quen để con ngậm ti mẹ khi ngủ vì nghĩ rằng làm như vậy con sẽ dễ ngủ hơn nhưng theo các chuyên gia y tế, cách làm này không thực sự tốt cho bé. Với trẻ mới lọt lòng, ngậm vú mẹ khi ngủ rất dễ dẫn đến việc mỗi khi bé hít thở sẽ vô tình hút luôn cả sữa mẹ, gây trở ngại cho việc tiêu hóa, thậm chí bị ngạt thở.
Ngậm ti khi ngủ còn có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của răng và nướu.
– Đùa giỡn quá mức trước khi ngủ:
Trước giờ đi ngủ, bố mẹ nên hạn chế tiếng ồn, ánh sáng và tập cho bé các hoạt động đều đặn mỗi ngày để tạo thói quen trước giấc ngủ đêm như: tắm, bú sữa, kể chuyện hoặc hát cho bé nghe… để bé chìm vào giấc ngủ một cách dễ dàng và ngủ ngon.
Không nên đùa giỡn hoặc có các hoạt động kích thích trẻ quá mức trước giờ đi ngủ ít nhất 1 – 2 tiếng, cũng không nên dọa trẻ vì như vậy hệ thần kinh của con sẽ bị kích thích mạnh, bé sẽ không thể ngủ sâu giấc hoặc có thể gặp ác mộng, ngủ hay giật mình.
– Đi ngủ muộn:
Nhiều bố mẹ có thói quen ngủ muộn kéo theo thời gian đi ngủ của con cũng bị muộn. Thực tế thì hoóc-môn tăng trưởng trẻ tiết ra nhiều nhất từ khoảng 22h đêm trước – 3h sáng hôm sau. Vì thế, bố mẹ nên thiết lập thói quen ngủ sớm cho con, tốt nhất là trong khoảng 20 – 21h để con phát triển chiều cao.
*Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
*Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng.