Nhiều bậc phụ huynh không biết cách chăm sóc trẻ sao cho khoa học để giúp nâng tầm vóc cơ thể. Thông tin trên mạng khá nhiều nhưng không phải ai cũng biết chọn lọc thông tin chuẩn.

Việt Nam nằm trong top 13 nước có trẻ em thấp còi nhất thế giới

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, suy dinh dưỡng ở nước ta hiện khoảng 23,8%, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng.

Báo cáo trước đó của bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia tại hội thảo “Truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số” cho thấy, Việt Nam đứng thứ 13 trong số các quốc gia có tỉ lệ trẻ thấp còi cao nhất và các gánh nặng do suy dinh dưỡng thấp còi gây ra.

Có khoảng 1,9 triệu trẻ em (chiếm 1/4 trẻ dưới 5 tuổi) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Trong đó, tỉ lệ này cao nhất ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đâu là lý do dẫn đến tình trạng đáng quan ngại này? Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, nghèo đói và thiếu kiến thức là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta.

Tỉ lệ trẻ thấp còi ở nước ta theo thời gian. Ảnh: Vietnam+

Còn theo TS Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bố mẹ chăm sóc không đúng cách, dinh dưỡng thiếu cân bằng dẫn đến trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng.

Khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm… Một số sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải như không chú ý bổ sung vitamin D, canxi cho người mẹ trước và trong khi mang thai, khi trẻ ăn dặm không cho dầu mỡ vì sợ trẻ bị tiêu chảy trong khi thực tế dầu mỡ giúp hòa tan vitamin D… khiến trẻ không thể cao lên mà còn làm tăng nguy cơ thấp còi.

Trẻ cần được chăm sóc tốt ngay từ khi trong bụng mẹ để phát triển chiều cao

Tại sao bố mẹ Việt nuôi con chưa đúng cách khiến trẻ thấp còi?

Thực tế có rất nhiều người trước khi lập gia đình, trước khi sinh con chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về chăm sóc thai nhi, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho con ăn đúng theo khẩu phần hợp lý về dinh dưỡng, theo dõi sự phát triển của trẻ… Điều này dẫn đến sự lúng túng, nhất là với những người lần đầu làm mẹ và dẫn đến những sai lầm khi thực hành nuôi con.

Không ít người nuôi con theo kinh nghiệm truyền miệng từ các thế hệ đi trước, trong đó có những vấn đề được khoa học hiện đại lý giải là không phù hợp.

Chẳng hạn như quan niệm trẻ ăn dặm sớm mới cứng cáp, dẫn đến việc một số trẻ được cho ăn dặm khi mới 2-3 tháng tuổi, trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm ăn dặm nên bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Việc ăn dặm quá sớm khi cơ thể trẻ chưa đủ lượng men tiêu hóa để tiêu hóa hết các thực phẩm ăn vào sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và suy dinh dưỡng thấp còi.

Ở một số nơi, phụ huynh vẫn còn nhai cơm, mớm cơm cho trẻ ăn, ẩn chứa nhiều nguy cơ lây bệnh.

Có phụ huynh lại muốn con tăng cân nhanh và chiều theo sở thích của con nên thường cho con ăn các đồ ăn chiên rán, trẻ không thích ăn rau, mất cân bằng dinh dưỡng, béo phì…

Thiếu thông tin chăm sóc khoa học là lý do khiến nhiều trẻ bị thấp còi. Ảnh minh họa, nguồn: Unicef

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc – 2 quốc gia có chiều cao hàng đầu châu Á, khi mang thai và chăm con nhỏ, các bà mẹ được tham dự các lớp học miễn phí bổ sung kiến thức về chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ nhỏ, cách chuẩn bị các món ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho từng giai đoạn lứa tuổi…

Còn tại Việt Nam, các bậc phụ huynh hoặc là đang “tự bơi” trong rất nhiều thông tin trên mạng và không tránh khỏi những thông tin chưa đúng khoa học, hoặc là đang nuôi con theo kinh nghiệm truyền miệng. Không có những cẩm nang, tài liệu chuẩn về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ khi sinh ra đến khi trưởng thành phổ cập tới những ai đang chuẩn bị làm cha, làm mẹ để họ có thêm nguồn thông tin đáng tin cậy, nuôi dạy con khoa học, giúp trẻ tăng chiều cao, phát triển toàn diện…

Chiều cao trung bình của dân số nước ta dù có tăng nhưng vẫn rất chậm, hiện nam giới dưới chuẩn 13cm, nữ giới dưới chuẩn 10,8cm và Việt Nam vẫn nằm trong top 5 các quốc gia lùn nhất thế giới.

Dinh dưỡng là yếu tố dễ dàng thay đổi được, thấp còi hoàn toàn có thể cải thiện được nếu có chiến lược quốc gia tổng thể, trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức để người dân tự thực hành cũng cần được chú trọng.

(Theo Eva.vn)

Hotline 1900.588836