Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ sẽ cao bao nhiêu khi trưởng thành. Dưới đây là một số nguyên tắc kết hợp thực phẩm mà mẹ cần nắm rõ nếu muốn con cao lớn.

Có những thực phẩm khi kết hợp cùng nhau sẽ giúp bé hấp thu tối đa dưỡng chất nhưng ngược lại cũng có những thực phẩm khi kết hợp lại mất đi dinh dưỡng, thậm chí còn gây độc.

Các thực phẩm kị nhau – “kẻ thù” của chiều cao

Một số sai lầm trong việc chế biến các món ăn có thể vô tình cản trở sự phát triển của con, bố mẹ cần hết sức lưu ý. Chẳng hạn như:

– Các loại đỗ (đỗ xanh, đen, đỏ…), cải bó xôi, các loại hạt như hạnh nhân, hạt dẻ, vừng… đều chứa nhiều axit phytic. Axit phytic có khả năng làm giảm sự hấp thu sắt, kẽm và canxi – các khoáng chất có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ xương và chiều cao. Vì thế, bố mẹ không nên chế biến các thực phẩm chứa chất này cùng với thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi như các loại hải sản có vỏ cứng như tôm, cua, hàu, ngao, sò, thịt lợn, bò, gà, gan động vật, các loại cá,…

Các loại đậu không nên kết hợp cùng hải sản

– Đậu phụ không nên kết hợp với hẹ, cải bó xôi vì đậu phụ chứa nhiều canxi trong khi hẹ, cải bó xôi chứa nhiều axit oxalic, hai chất này kết hợp với nhau sẽ tạo ra canxi oxalate, cản trở quá trình hấp thu canxi của cơ thể.

– Nhiều mẹ vô tư kết hợp thịt bò với tôm mà không biết rằng, thịt bò chứa nhiều sắt, tôm chứa nhiều canxi. Canxi sẽ làm cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể, khiến lượng sắt vừa được bổ sung nhanh chóng “bốc hơi”.

Thực phẩm giàu sắt không nên kết hợp cùng canxi

– Chất đạm là nền tảng giúp phát triển xương, cơ, sụn – những yếu tố liên quan đến tăng trưởng chiều cao và còn thúc đẩy hormone tăng trưởng GH hoạt động tốt. Phô mai, cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền… đều giàu năng lượng, đặc biệt là chất đạm. Nếu nấu phô mai với các món này dễ gây dư thừa đạm, khiến trẻ khó tiêu hóa hơn.

Lượng đạm trong khẩu phần ăn chỉ nên khoảng 14-15% tổng năng lượng mỗi ngày của trẻ và bố mẹ nên cân đối với các nhóm chất khác để trẻ hấp thu tốt hơn. Việc bổ sung năng lượng mà trẻ không tiêu hóa được vô hình chung làm giảm dưỡng chất cần thiết trẻ cần để tăng trưởng thể chất, đặc biệt là chiều cao.

– Hải sản và trái cây giàu vitamin C cũng là những thực phẩm kị nhau. Lý do là bởi trong hải sản chứa nhiều asen pentavenlent, nếu kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C sẽ chuyển hóa thành asen trioxide (hay còn gọi là thạch tín) dễ gây ngộ độc, nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy, bố mẹ không nên nấu chung hoặc ăn liền hải sản với các rau quả giàu vitamin C như ớt chuông, súp lơ, dâu tây, cam, đu đủ, ổi, kiwi…

Bên cạnh đó, một số trái cây chứa nhiều axit tannic như hồng, lựu, nho… cũng không nên ăn liền sau khi ăn hải sản vì axit tannic trong các thực phẩm này sẽ cản trở hấp thụ protein và canxi. Theo các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ), chức năng chính của axit tannic là liên hết và kết tủa protein. Ngoài ra, canxi trong hải sản khi kết hợp với chất này sẽ tạo thành hợp chất rắn axit tannic canxi – yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ dễ bị đầy bụng, buồn nôn, táo bón…

Lựu, hồng, nho không nên ăn liền sau khi ăn hải sản

Những “thực phẩm vàng” giúp tăng chiều cao

Nhóm thực phẩm giàu canxi và vitamin D được xem là những “thực phẩm vàng” giúp tăng chiều cao của trẻ. Canxi chiếm 99% trong cấu trúc xương và răng, thiếu hụt chất này sẽ ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh của hệ xương và chiều cao cơ thể. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi như cua, tôm, cá, đậu phụ, rau xanh, sữa và chế phẩm từ sữa…

Canxi luôn cần đi kèm với một vi chất cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới hệ xương, đó là vitamin D. Vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi giúp phát triển xương, kiểm soát tăng trưởng tế bào… Thiếu hụt vi chất này có thể dẫn đến bệnh còi xương làm cho xương phát triển không bình thường, xương yếu, dễ gãy và biến dạng…

Vitamin D có trong một số thực phẩm như cá béo (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, gan bò… nhưng hàm lượng từ thực phẩm chỉ đáp ứng được 5-10% nhu cầu vitamin D mà trẻ cần hằng ngày. Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi trẻ dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày kể từ khi sinh ra để phòng ngừa còi xương. Trẻ từ 1-18 tuổi cần liều dự phòng từ 600 – 800IU/ngày.

Với điều kiện thời tiết nắng nóng và chỉ số tia UV luôn ở mức cao và nguy hiểm như hiện nay, để trẻ nhận đủ lượng vitamin D cần thiết, các chuyên gia khuyên phụ huynh nên bổ sung bằng các sản phẩm bào chế như vitamin D3 dạng xịt chuẩn liều và tiện dụng.

Thực phẩm giàu canxi nên kết hợp cùng vitamin D

Mặt khác, trong khẩu phần dinh dưỡng của con, bố mẹ nên lưu ý cân đối và đa dạng các nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Một số thực phẩm giàu đạm, canxi, kẽm… có thể được ưu tiên nhưng không vì thế mà bỏ quên các dưỡng chất khác.

Nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm dễ khiến trẻ béo phì vì béo phì có thể cản trở việc tăng chiều cao.

(Theo Eva.vn)

Hotline 1900.588836