Với các em bé sinh non, chế độ chăm sóc cần đặc biệt hơn bởi trẻ thường bị nhẹ cân, đề kháng kém. Dưới đây là những chia sẻ của bà mẹ trẻ Hà Nội về kinh nghiệm chăm trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh.
Làm mẹ, ai cũng muốn con đủ tháng đủ ngày mới chào đời bởi lúc này cân nặng, chiều cao và sức đề kháng của bé đã ổn định hơn. Tuy nhiên, vì một số lý do, có những mẹ phải sinh con sớm hơn dự kiến. Chị Nguyệt Lệ (SN 1993, Hà Nội) sinh bé Ngô lúc 34 tuần tuổi do vỡ ối sớm, lúc đó bé chỉ mới nặng 2,2kg.
Bé Ngô nằm lồng ấp và phải xa mẹ đến ngày thứ 7. Dù mới lần đầu làm mẹ nhưng nhờ sự hướng dẫn của các nhân viên y tế, chị đã nuôi con khỏe mạnh như một em bé sinh đủ tháng. Theo người mẹ trẻ này, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non cần lưu ý một số điều sau:
Giữ ấm đúng cách
Những em bé sinh thiếu tháng có nguy cơ nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt ngay cả trong những ngày nhiệt độ bình thường, do bé có lớp mỡ dưới da quá mỏng, khả năng điều khiển thân nhiệt rất kém vì chức năng của não bộ chưa phát triển đầy đủ. Bởi vậy, bố mẹ nên đảm bảo giữ ấm tuyệt đối cho trẻ.
Ngay sau khi sinh, bé phải được ủ ấm, nằm trong phòng có nhiệt độ 28-35 độ C, độ ẩm ở mức 60-70%. Vì thế, các trẻ sinh non thường nằm trong lồng ấp để đảm bảo vệ sinh và nhiệt độ thích hợp.
Khi trẻ được về với mẹ, hãy ủ ấm cho trẻ theo phương pháp da kề da (đặt trẻ vào ngực mẹ để da trẻ tiếp xúc da mẹ).
Bố mẹ nhớ luôn mang tất chân tay, đội mũ cho bé trong thời gian đầu. Mặc ấm cho bé nhưng không nên mặc quá nhiều khiến trẻ bị đổ mồ hôi, không để quá nhiều chăn trong cũi vì có thể khiến trẻ ngạt thở.
Phòng chống nhiễm trùng
Nhiều mẹ sợ con sinh non còn quá bé nên sợ tắm con sẽ ốm. Thực tế, trẻ cần vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Bố mẹ nên tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm cho bé nhưng lưu ý nên tắm nhanh và lau khô.
Ở các bé sinh non, thời điểm tiêm phòng cũng giống như đối với trẻ đủ tháng nhưng cần đạt cân nặng chuẩn cho phép thì mới có thể tiêm.
Do sinh sớm và sức đề kháng còn kém nên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ, bố mẹ cần lưu ý các vấn cách ly trẻ khỏi những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng, giữ không gian sống luôn sạch sẽ, rửa tay bằng nước rửa chuyên dụng trước khi tiếp xúc với trẻ để ngăn ngừa lây truyền bệnh, hạn chế người lạ chạm vào trẻ…
Lưu ý về chế độ dinh dưỡng
Trước 6 tháng tuổi: Trẻ cần bú mẹ hoặc sữa công thức 8 – 10 lần mỗi ngày. Bố mẹ không nên để trẻ đói quá 4 tiếng vì sẽ khiến trẻ mất nước. Trẻ sinh non thường hay bị trớ sữa khi bú, nếu bé vẫn tăng cân thì điều này hoàn toàn bình thường, nếu bé ngừng hoặc giảm cân thì mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thời gian ăn dặm: Các chuyên gia y tế khuyên nên cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ 6 kể từ ngày dự kiến sinh bé chứ không phải ngày sinh thực tế. Do trẻ sinh sớm nên các cơ quan chưa hoàn thiện như trẻ sinh đủ tháng.
Massage cho bé
Tác dụng của massage đối với trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng. Nó giúp bé thư giãn tinh thần, bớt khóc, đem đến cảm giác hạnh phúc cho bé, giúp bé tăng cân nhanh, ngủ sâu hơn, cải thiện tiêu hóa (do hormone melatonin và nội tiết insulin sinh ra khi massage), hệ thần kinh, hệ hô hấp.
Massage giúp các cơ phát triển tốt và chống nhiễm trùng, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thải những độc tố qua da, đặc biệt là bé sinh non sẽ có cơ hội phát triển hơn từ 21% – 47%.
Tuy nhiên, khi massgae cho bé, mẹ cần nhớ lưu ý các điều sau:
- Rửa tay thật sạch trước khi massage để tránh lây nhiễm vi khuẩn cho bé. Tháo hết những đồ trang sức có khả năng làm bé trầy xước.
- Nên đặt bé lên giường hoặc dưới sàn nhà sạch, có lót khăn và gối xung quanh để đảm bảo độ an toàn cho bé. Nhiệt độ phòng không nên quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ lý tưởng là vào khoảng 28-29 độ C.
- Chỉ dùng lực của phần thịt mềm ở ngón tay, không phải toàn bộ lòng bàn tay để massage cho bé. Mỗi động tác massage phải nhẹ nhàng, chậm rãi.
- Có thể dùng dầu massage nhưng đừng nên dùng quá nhiều và không nên sử dụng dầu massage lên mặt bé. Để bảo đảm an toàn, mẹ nên chọn các loại dầu massage như dầu oliu, dầu dừa, dầu mè…
- Thời điểm tốt nhất để massage là sau khi tắm cho bé bằng nước ấm. Khi đó, bé đang thấy rất khoan khoái. Mẹ vừa massage nhẹ nhàng, vừa thủ thỉ với bé để giúp bé thư giãn.
- Thời gian massage phụ thuộc vào độ tuổi và thể trạng của bé: Trẻ dưới 2 tháng tuổi chỉ massage tầm 5 phút, trẻ từ 2 đến 9 tháng tuổi massage 10 phút và từ 10 – 15 phút cho những bé từ 10 tháng tuổi trở lên.
- Không xoa bóp trên đầu bé. Tuyệt đối không nên massage nếu trên da bé có những vết thương hở, viêm nhiễm chưa lành.
- Đặc biệt cần tôn trọng con, nếu con có những biểu hiện như nhăn nhóm nhíu mày, giật mình, quay người đi… mẹ nên dừng việc massage lại. Hoặc nếu mẹ đang mệt và căng thẳng cũng không nên massage cho con.