Ăn uống là chuyện… cả đời nhưng với trẻ nhỏ, thói quen ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất. Muốn con cao lớn khỏe mạnh, hãy rèn cho con thói quen ăn uống tốt ngay từ thơ bé.
“Biếng ăn” là từ khóa được rất nhiều mẹ quan tâm khi mà ngày càng nhiều trẻ có xu hướng không thèm ăn, không hứng thú với thức ăn. Biếng ăn kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi, chậm lớn.
Vậy, nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn? Bố mẹ có nghĩ rằng, một phần nguyên nhân là do chính mình? Dưới đây là một số sai lầm thường thấy của phụ huynh khiến trẻ coi ăn uống là một sự ép buộc và không nhận ra giá trị của bữa ăn mang lại.
Ngày càng có nhiều trẻ gặp tình trạng biếng ăn
Sai lầm 1: Không cho trẻ cùng ăn với gia đình
Thói quen của không ít gia đình Việt là cho trẻ ăn riêng, tuy nhiên, với các bé sau 1 tuổi đã có thể ngồi ăn cùng với bố mẹ, ông bà trong các bữa ăn chính. Trẻ thường bắt chước rất nhanh bằng cách quan sát hành động của người khác.
Vì thế, hãy cho trẻ làm quen dần với không khí ăn uống quây quần của cả gia đình khi mẹ thấy con hứng thú với bữa ăn chung. Lưu ý, nên nấu thức ăn không quá nhiều gia vị để trẻ có thể ăn được dễ dàng.
Sai lầm 2: Treo thưởng nếu bé chịu ăn
Vì quá lo sợ con đói, bố mẹ nghĩ ra mọi cách để dụ con ăn. Mỗi bữa ăn, bạn đều nói với bé rằng: “con ăn ngoan rồi lát bố/mẹ cho kẹo, bim bim” hay “con ăn ngon rồi bố/mẹ cho chơi điện tử”, “bố/mẹ bật điện thoại cho con ăn nhé”… Việc trao đổi như vậy sẽ khiến bé có suy nghĩ rằng: kẹo, bim bim hay những vật trao đổi có giá trị hơn thức ăn, dần dần trẻ sẽ học cách ra điều kiện đòi bố mẹ các thứ mình muốn trước khi ăn.
Tốt nhất, trước khi ăn 10-15 phút nên thông báo cho trẻ biết là sắp đến giờ ăn và đặt ra nguyên tắc bữa ăn sẽ kết thúc sau 30 phút.
Nhiều trẻ được bố mẹ “dụ” xem điện thoại để ăn ngoan
Sai lầm 3: Ép trẻ ăn
Nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ rằng trẻ ăn càng nhiều càng tốt và thường xuyên ép con ăn. Tuy nhiên, mỗi trẻ đều có nhu cầu nạp năng lượng với mức độ khác nhau, việc ép trẻ sẽ khiến trẻ có tâm lý sợ ăn, lâu dần trở nên biếng ăn.
Một số bố mẹ lại muốn trẻ ăn hết tất cả những thức ăn mình chuẩn bị. Hãy để ý đến nhu cầu năng lượng của con, nếu con ăn lượng vừa phải nhưng vẫn phát triển tốt thì phụ huynh không nên ép con ăn thật nhiều với mong muốn “mập như con nhà người ta”.
Sai lầm 4: Không để con tự xúc ăn
Để trẻ tự ăn giúp con biết lựa chọn thực phẩm và hoàn thiện dần kỹ năng ăn uống cho mình. Nếu trẻ đang thích bốc thức ăn, bố mẹ hãy để trẻ học cách cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng, đừng vì sợ lấm bẩn mà ngăn cản con. Nếu con muốn tự xúc, hãy để con được tự thực hiện và khen ngợi, động viên để bé hứng thú và vui vẻ hơn.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các em bé được tự mình ăn theo cách chúng muốn thì hứng thú ăn với bữa ăn sẽ cao hơn rất nhiều lần so với trẻ bị bố mẹ ép ăn theo khuôn phép.
Nếu trẻ thích tự cầm thìa, nĩa để xúc thức ăn, bố mẹ đừng làm thay con
Sai lầm 5: Đơn điệu trong chuẩn bị món ăn
Phần đông bố mẹ dường như đang tập trung vào số lượng trẻ ăn vào mà chưa để ý nhiều đến yếu tố đa dạng và đẹp mắt trong bữa ăn của con. Trẻ rất thích những món ăn nhiều màu, đặc biệt là đồ ăn được trang trí hấp dẫn bằng các hình thù đáng yêu thay vì chỉ ăn mãi một vài món. Nếu có thể, mẹ hãy biến mỗi bữa ăn thành một câu chuyện thú vị để kích thích con yêu nhé. Nếu không, hãy chú ý đa dạng và đổi món thường xuyên cho con.
Sai lầm 6: Thiếu kiên trì
Nhiều bố mẹ nói rằng “con tôi chỉ thích một món” và bố mẹ cũng chấp nhận nấu mãi món đó vì chế biến món mới trẻ không chịu ăn. Nếu trẻ có xu hướng e ngại với các món ăn mới, bố mẹ hãy kiên nhẫn tập cho trẻ làm quen dần dần món ăn này, nên giới thiệu món mới khi con đang rất đói, trẻ sẽ cảm nhận được vị ngon của thực phẩm hơn.
Nếu trẻ chỉ ăn mãi một vài “món tủ”, nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng sẽ rất cao. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến trẻ thấp còi, chậm lớn.
Những món ăn bắt mắt sẽ kích thích trẻ hứng thú với bữa ăn hơn
Sai lầm 7: Lạm dụng thuốc kích thích ăn ngon
Không ít bố mẹ ngày nay lạm dụng các loại thuốc kích thích ăn uống, tự ý mua sử dụng cho con mà không biết chính xác con mình chậm lớn, còi cọc, thấp lùn do đâu. Dẫn đến tình trạng, thời điểm uống thuốc trẻ ăn uống khá hơn nhưng khi hết thuốc lại biếng ăn trở lại và vẫn thiếu vi chất cần thiết.
Một số vi chất có ảnh hưởng đến khả năng thèm ăn và phát triển thể chất của trẻ mà bố mẹ cần lưu ý, đó là lysine, kẽm, canxi, vitamin D…
Lysine là chất giúp tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng. Các thực phẩm giàu lysine mà mẹ có thể bổ sung vào khẩu phần ăn của con là đậu, sữa, cà chua, cà rốt, thịt bò, lợn… Kẽm cũng tham gia vào hoạt động của các enzyme, giúp điều hòa vị giác, tăng cảm giác ngon miệng, tăng khả năng hấp thu…. Kẽm có nhiều trong hải sản có vỏ, thịt bò, lợn, gà, các loại đậu, nấm…
Canxi ngoài vai trò làm tăng mật độ xương còn có tác động đến hệ tiêu hóa. Các thực phẩm giàu canxi mà mẹ cần lưu ý là hải sản, sữa, bơ, phô mai, rau dền, bó xôi, giá đỗ, súp lơ…
Ngoài ra, một vi chất có tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ cần phải kể đến chính là vitamin D. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D dự phòng đều đặn giúp trẻ tăng trưởng tốt về chiều cao và cân nặng.
(Theo Eva.vn)