Tiếp xúc với thiết bị điện tử hơn 4 tiếng/ngày, uống quá nhiều nước ngọt
hay tiêu chảy, có thể làm giảm đáng kể chiều cao của trẻ.
Lý do khiến trẻ thấp lùn
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Hoàng Anh (hiện đang làm việc tại bệnh viện ĐH Worcester và bệnh viện ĐH Oxford, Anh Quốc), có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thấp lùn, trong đó có các lý do thói quen mà bố mẹ hoàn toàn có thể loại bỏ cho con.
Cụ thể, nếu trẻ ngồi máy tính, xem tivi hay chơi game hơn 2,5 tiếng/lần, tổng thời gian tiếp xúc với điện tử hơn 4 tiếng/ngày sẽ tác động tới chiều cao.
Uống hơn 1 lon nước ngọt/ngày (loại lon 220ml) là quá nhiều cho bé dưới 12 tuổi. Bé dưới 12 tuổi chỉ nên tối đa 2 lon/tuần, tức là <65ml/ngày. Tốt nhất là không nên giới thiệu nước ngọt cho bé trước 5 tuổi.
Trẻ bị tiêu chảy cũng làm giảm đáng kể chiều cao. “Trong nghiên cứu gần đây trên dữ liệu của 7 nghiên cứu về trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sống ở 4 quốc gia đang phát triển, nhóm nghiên cứu TS. Richard đã tìm thấy các bé dưới 2 tuổi có số ngày trung bình bị tiêu chảy từ 28 ngày/năm sẽ giảm 0.38 cm khi các bé qua 2 tuổi” – bác sĩ Hoàng Anh cho biết. Do đó, theo chuyên gia dinh dưỡng này, cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn, cũng như không nên để chung thực phẩm tươi sống và chín để hạn chế sự lây nhiễm lên các bé là công tác phòng ngừa quan trọng các bệnh tiêu hóa do nhiễm khuẩn.
Các giai đoạn phát triển chiều cao đáng lưu ý
Bác sĩ Hoàng Anh đã đưa ra một biểu đồ về sự tăng trưởng chiều cao của trẻ và chỉ rõ, sự tăng trưởng chiều cao của các bé sau 12 tháng có thể sẽ chậm hơn và thậm chí trì hoãn. Việc thay đổi (trì hoãn) 1-2 đường trong biểu đồ tăng trưởng là thông thường trong 12-25 tháng tuổi và có thể sẽ trở lại ổn định trên 1 đường khi bé 30 tháng.
Vị bác sĩ trẻ từng được trao giải vàng trong lĩnh vực y khoa ở TP Worcester này cũng chỉ rõ:
Giai đoạn từ 3 tháng tuổi – hết 2 tuổi: Cả bé trai và bé gái đều có thời điểm tăng trưởng vàng về chiều cao. Vì thế, trong giai đoạn này các bậc phụ huynh cần tập trung dinh dưỡng cho trẻ vì nếu thiếu hụt sẽ làm sự tăng trưởng chiều cao trẻ trì hoãn thêm 6 tháng sau đó. Nếu quá 6 tháng – từ khi bé đã 2 tuổi, bé vẫn có sự thiếu hụt chất dinh dưỡng mà không chú ý phục hồi hay bổ sung sẽ làm trẻ mất cơ hội đạt chiều cao tối đa trong giai đoạn này.
Giai đoạn từ 2-3 tuổi, chiều cao của trẻ sẽ tăng chậm.
Giai đoạn từ 4 – 6 tuổi: Đây là thời điểm vàng tăng chiều cao của bé gái. Nếu trước đó bé tăng chậm hoặc biếng ăn dinh dưỡng không đủ thì cơ thể bé sẽ tăng bù vào thời điểm này, trung bình tăng 5-6 cm/năm. Nếu dinh dưỡng giai đoạn 1 tốt và chiều cao tăng ổn định thì bé gái sẽ tăng thêm 10-12 cm/2 năm này.
Trong khi đó, bé trai thời điểm này tăng chiều cao bình thường, cũng không bù cho giai đoạn trước.
Giai đoạn dậy thì: Thời điểm dậy thì của bé gái tính từ 11 – 15 tuổi, bé trai từ 13 – 17 tuổi. Trong giai đoạn này tốc độ tăng là cao nhất để đạt điểm gần cực đại (độ cao cuối cùng của trẻ sau này). Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời điểm rất dễ tăng cân, nếu bé gái hoặc bé trai bị thừa cân béo phì trong thời điểm này thì tốc độ tăng chiều cao cũng sẽ giảm đáng kể.
Làm gì để con đạt chiều cao tối đa như mơ ước?
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Hoàng Anh chỉ ra một số lưu ý về dinh dưỡng cũng như vận động để tăng chiều cao tối đa cho trẻ, mời bố mẹ tham khảo.
Về dinh dưỡng:
– Bé nên duy trì bú mẹ hoàn toàn ít nhất là 6 tháng từ lúc mới sinh và kéo dài lâu nhất nếu có thể.
– Nên bổ sung đủ vitamin D từ 1 tháng sau sinh.
– Khi bắt đầu giai đoạn ăn dặm, bé nên được giới thiệu đa dạng và bổ sung 2 ngày/ tuần thực phẩm giàu kẽm, canxi và vitamin A,B,C.
– Nên cho bé ăn đủ 2 ngày cá (hồi/thu/lươn/chép)/ tuần để duy trì chất béo omega-3 tốt cho bé.
– Bé nên có giấc ngủ nguyên đêm, chẳng hạn với bé 4 tuổi, 1 ngày nên có 9-10 tiếng/ngủ đêm và 2-3 tiếng/ngủ ngày.
– Hạn chế hoặc không giới thiệu chất ngọt từ đường/kẹo/bánh/socola cho bé. Nếu cho bé ăn, giới hạn 2 thanh kẹo/ngày và tuần quy định chỉ cho bé ăn 3 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn quá nhiều đường thì liên quan đến sự “lùn” ở các bé.
– Trẻ từ tuổi dậy thì nên duy trì cân nặng phù hợp, hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ và đường. Phân bổ thời gian học và nghỉ ngơi cho trẻ hợp lý, tránh để trẻ bị stress, ăn vô thức, dễ làm trẻ dư cân và tích trữ mỡ.
Về vận động:
– Đối với bé từ 3 tháng -2 tuổi: Bố mẹ nên tương tác xã hội với bé, ít bế bồng bé khi bé phát triển kĩ năng bò, trườn, đi lại. Dành thời gian dẫn bé đi công viên, chơi 1 số trò chơi ngoài trời.
– Đối với các bé 3-4 tuổi: Bố mẹ nên chơi cùng bé các trò chơi vận động não bộ và chiều cao.
– Đối với bé từ 4-5 tuổi: Nên cho trẻ học bơi 2 buổi/ tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi, có thể tăng 3 buổi/tuần. Mỗi buổi không quá 60 phút. Cường độ như vậy sẽ phù hợp với phát triển xương cho bé và đủ cho thời gian kiến tạo xương mới.