Không khí lạnh, thời tiết thay đổi thất thường khiến các virus gây bệnh đường hô hấp phát triển, trẻ rất dễ bị ho có đờm. Mẹ cần có phương pháp để giúp con sớm thoát khỏi tình trạng này.

Triệu chứng của tình trạng ho có đờm

Nguyên nhân gây ho đờm ở trẻ chủ yếu do dị ứng thời tiết, thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ bị cảm lạnh hoặc hoặc do lây nhiễm virus qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhiều nhất vào mùa đông.

Khi bị ho, bé thường có một số triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức toàn thân. 

Trẻ bị ho có đờm thường có triệu chứng ho kèm theo đờm loãng hoặc đặc, thở khò khè, cảm thấy cổ họng ngứa ngáy, khó chịu.

Về bản chất, đờm là một phản ứng có lợi cho cơ thể trẻ bởi đây là một trong những dịch tiết của đường hô hấp, có tác dụng bám dính vi khuẩn, virus. Nhờ hệ thống lông mao và phản xạ ho, đờm sẽ được đẩy ra ngoài.

Song khi đờm quá nhiều sẽ khiến cho bé bị ho dữ dội và kéo dài. Nếu đờm tích tụ nhiều cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây bội nhiễm đường hô hấp của bé.

Khi bị ho có đờm, trẻ hay quấy khóc, khó thở, ngủ không ngon giấc ảnh hưởng đến tinh thần và việc hấp thu dinh dưỡng. Vì thế, mẹ cần sớm khắc phục tình trạng này để con chóng khỏe.

Cách trị ho có đờm cho bé

Trước hết, bố mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ bị ho và tình trạng hiện tại của trẻ. Tránh việc vội vàng dùng kháng sinh khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ. Phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như: cho con uống nhiều nước ấm vì nước ấm có khả năng giúp làm loãng đờm hiệu quả và giúp làm dịu cơn rát họng, giảm ho.

Nếu trẻ bị sổ mũi, hãy vệ sinh mũi thường xuyên cho trẻ bằng cách hút sạch chất nhờn sau đó nhỏ nước muối sinh lý vào cho bé từ 3 – 4 lần/ngày.

Bên cạnh đó, mẹ có thể vỗ lưng để tống đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Khi vỗ lưng long đờm cho bé cần lưu ý những điều sau:

Tư thế vỗ rung long đờm: Trẻ có thể nằm nghiêng một bên hoặc ngồi cúi đầu về phía trước hoặc mẹ bế vác trẻ.

Xác định vị trí vỗ: Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Kỹ thuật vỗ rung long đờm:

Vỗ lưng bằng cách gập bàn tay người vỗ ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau, không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.

Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng “bộp, bộp”, cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái.

Thời gian vỗ rung long đờm: Mỗi lần vỗ rung làm 10 – 15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.

Lưu ý khác: Nên vỗ lưng trước bữa ăn, bữa bú hoặc sớm nhất là 2 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.

Vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày (vùng dưới bờ sườn bên trái), xương ức hay cột sống.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhỏ nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị vì lúc này con đang mệt có thể chưa muốn ăn nhiều.

Bố mẹ cũng lưu ý vệ sinh mũi cho bé sạch sẽ. Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.

Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Hotline 1900.588836